Hội thảo cấp Quốc gia công bố kết quả nghiên cứu và giới thiệu mô hình học tập Ngoại ngữ (tiếng Anh) giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ – Đào tạo – Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo cấp Quốc gia công bố kết quả nghiên cứu và giới thiệu mô hình học tập Ngoại ngữ (tiếng Anh) giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ

Thực hiện kế hoạch Đề án xây dựng mô hình cộng đồng học tiếng Anh giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ và xây dựng kế hoạch triển khai cho giai đoạn tới, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo cấp Quốc gia công bố kết quả nghiên cứu và giới thiệu mô hình học tập Ngoại ngữ (tiếng Anh) giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ vào ngày 27/12/2017 tại Hội trường Sunwah.

Đến dự buổi lễ có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường, đại diện lãnh đạo các trường thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện các em sinh viên chương trình đào tạo Nhiệm vụ chiến lược.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết hội thảo là hoạt động nằm trong đề án xây dựng mô hình cộng đồng học tiếng Anh giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ do ĐANNQG2020 giao cho trường. Hiệu trưởng cũng chia sẻ 8 định hướng của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 tại Quyết định số 2080/QĐ-TTg vừa được phê duyệt, trong đó nhấn mạnh Nhà trường cần: Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; tích cực, chủ động triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo này và bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để giúp cho tài liệu mô hình học tập Ngoại ngữ (tiếng Anh) giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ có giá trị thực tiễn, truyền tải được thông điệp tới những người quan tâm.

Cũng tại hội thảo, PGS. TS. Hà Lê Kim Anh – Trưởng phòng Đào tạo/Trưởng nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu và giới thiệu mô hình cộng đồng học tiếng Anh giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ với những đặc điểm, ưu điểm, hạn chế, nguyên tắc, ví dụ cụ thể. Tài liệu được xây dựng dựa trên khảo sát 63 cơ sở đại học đào tạo ngành Sư phạm Anh trên cả nước (tổng chỉ tiêu 3.848 người) và 107 cơ sở đại học đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh trên cả nước (tổng chỉ tiêu 17.393 người). Mô hình gồm có các hình thức: Bạn kèm bạn, English Café, Tour guide – Hướng dẫn viên, Blind date – Hẹn hò bí mật,  Giao lưu Quốc tế, CLB thực hành kĩ năng ngoại ngữ, CLB thực hành kĩ năng Sư phạm ngoại ngữ, Olympic tiếng Anh, Câu lạc bộ sở thích có sử dụng ngoại ngữ, Diễn đàn tiếng Anh trực tuyến, English Space – Không gian Anh ngữ, Trại hè tiếng Anh.

Cũng theo đó, nguyên tắc hoạt động của mô hình là: phù hợp với điều kiện của cơ sở đào tạo, mang tiếng Anh ra ngoài lớp học, phi lợi nhuận, mang tính xã hội cao, và ứng dụng công nghệ thông tin. Mô hình có ý nghĩa: tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh, phát huy được tiềm năng của cá nhân người học, được xây dựng theo quan điểm “vùng phát triển gần” và “người hiểu biết hơn”, khai thác ưu thế của phương pháp “giảng dạy đồng đẳng”, giảm áp lực thiếu giáo viên, hỗ trợ người học ở trình độ thấp.

Hai báo cáo “Mô hình các hoạt động hỗ trợ học ngoại ngữ giữa sinh viên chuyên và sinh viên không chuyên” và “Mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ thông qua các hoạt động hỗ trợ giữa sinh viên tình nguyện  và người nước ngoài học tiếng Việt  tại Trung tâm giáo dục quốc tế – Trường ĐHNN-ĐHQGHN” được trình bày sinh động cùng với hoạt động tham quan góc trưng bày đã góp phần cụ thể hóa, minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình học tập ngoại ngữ (tiếng Anh) giữa sinh viên chuyên ngữ và sinh viên không chuyên ngữ.

Trong phần cuối của chương trình, các đại biểu và khách mời đã đưa ra nhiều ý kiến ủng hộ cũng như đóng góp cho nhóm nghiên cứu. Đây đều là những góp ý quý báu và sẽ được nhóm tham khảo để điều chỉnh, bổ sung tài liệu trước khi gửi lên Bộ GD&ĐT.

Lệ Thủy-Việt Khoa-P.Đào tạo