Hội nghị Chương trình đào tạo thứ 2 (Bằng kép) – Cơ hội và thách thức tại trường ĐHNN – ĐHQGHN tại hội trường ULIS-Sunwah (10/10/2017).
Thực hiện chỉ đạo của ĐHQGHN và để đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Ngoại ngữ luôn quan tâm chú trọng phát triển các CTĐT bằng kép. Trải qua 10 năm, trường đã có bước phát triển lớn, Nhà trường đã xây dựng thành công từ 1 lên đến 23 CTĐT bằng kép (Trong đó có 7 CTĐT ngành Ngôn ngữ Anh, 2 CTĐT ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, 7 CTĐT ngành Ngôn ngữ Nhật Bản, 7 CTĐT ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc) với quy mô hiện tại lên đến hơn 1.000 sinh viên. Sinh viên trong toàn ĐHQGHN đều có cơ hội học CTĐT bằng kép ngành Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại chặng đường triển khai đào tạo bằng kép của trường, rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn và chuẩn bị cho những bước tiến trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Ngô Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Xuân Long – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo và chuyên viên chuyên trách Phòng Đào tạo; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Chính trị và Công tác HSSV, Trung tâm Khảo thí, Trung tâm ĐBCL, Trung tâm CNTT-Truyền thông và Học liệu, Phòng Quản trị; Ban Chủ nhiệm các Khoa: Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ & Văn hóa các nước nói tiếng Anh, Ngôn ngữ & Văn hóa Trung Quốc, Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc, Ngôn ngữ & Văn hóa Nhật Bản, các cán bộ và giảng viên giảng dạy bằng kép.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết hội nghị nằm trong hoạt động rà soát các yếu tố đảm bảo chất lượng các CTĐT, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm năm học của trường. Việc triển khai các CTĐT bằng kép đã đạt được nhiều thành công trong 10 năm qua, giúp các sinh viên vào trường không chỉ có điều kiện học ngoại ngữ mà còn có cơ hội học rất nhiều ngành nghề khác như: kinh tế, luật, xã hội học… Hội nghị là dịp Nhà trường lấy ý kiến để đề ra những chủ trương mới và quyết sách thực sự nhằm biến khó khăn thành cơ hội trong công tác đào tạo các CTĐT bằng kép.
Trong khuôn khổ hội nghị đã có 7 báo cáo tham luận được đưa ra, bao gồm: Báo cáo tổng kết công tác đào tạo CTĐT thứ 2 (Bằng kép) tại Trường ĐHNN – ĐHQGHN; Đánh giá của người học về chương trình đào tạo thứ 2 (Bằng kép) tại trường ĐHNN; Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy cho sinh viên CTĐT thứ 2 (Bằng kép); Mô hình dạy kĩ năng biên phiên dịch cho sinh viên CTĐT thứ 2 (Bằng kép); Tổ chức đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cho sinh viên CTĐT thứ 2 (Bằng kép) – Thuận lợi, Khó khăn và hướng đi mới; Công tác hỗ trợ sinh viên CTĐT thứ 2 (Bằng kép) đạt chuẩn đầu ra – Những giải pháp cho thời gian tới; Kế hoạch tăng cường hoạt động trải nghiệm và kiến tập, thực tập cho sinh viên CTĐT bằng kép.
Cũng trong hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận về các CTĐT bằng kép. Những khó khăn, thách thức khi triển khai và đồng thời là các đề xuất, giải pháp và kiến nghị với Ban Giám Hiệu đã được đại biểu sôi nổi trình bày và trao đổi.
Cũng trong hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận về các CTĐT bằng kép. Những khó khăn, thách thức khi triển khai và đồng thời là các đề xuất, giải pháp và kiến nghị với Ban Giám Hiệu đã được đại biểu sôi nổi trình bày và trao đổi.
Tổng kết hội nghị, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định hội nghị đã diễn ra thành công, cung cấp nhiều thông tin cụ thể và đầy đủ về công tác triển khai các CTĐT bằng kép ở trường. Trong10 năm qua, Trường Đại học Ngoại ngữ cũng như các đơn vị khác trong ĐHQGHN đã hết sức nỗ lực đáp ứng nhu cầu học tập bằng kép của sinh viên. Trường cũng là 1 trong các đơn vị thực hiện hệ đào tạo này sớm và hiệu quả nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên. Đây là nỗ lực từ tất cả các đơn vị trong toàn trường.
Tuy vậy, để đổi mới, cải tiến giúp CTĐT tốt hơn cần có kế hoạch hành động cụ thể với 4 công việc cần thực hiện như: Định vị bằng kép trong “hệ sinh thái” đào tạo của trường; Đổi mới quản lý và tổ chức đào tạo bằng kép (đặc biệt là tăng cường tính tự chủ, tự giải trình và mức độ giải trình của các khoa đào tạo); Đổi mới về công tác dạy và học ở các đơn vị đào tạo có các CTĐT bằng kép; Đổi mới về phục vụ đào tạo. Hiệu trưởng cũng cam kết sẽ cùng các đơn vị nỗ lực trao đổi thảo luận để đề ra hướng triển khai tốt nhất, nâng cao hiệu quả các CTĐT bằng kép tại trường.