Giới thiệu bài thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp (VNU Tests) cho sinh viên ĐHQGHN
Tối ngày 03/04/2024 trên Zoom Webinar, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức giới thiệu bài thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU Tests) để cung cấp thông tin quan trọng và giải đáp thắc mắc cho sinh viên trong toàn ĐHQGHN.
Buổi giới thiệu có sự tham dự của lãnh đạo và chuyên viên Phòng Đào tạo và các thầy cô giáo, sinh viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội quan tâm.
Nội dung của buổi giới thiệu bao gồm chia sẻ về các quy định về dạy – học ngoại ngữ trong Đại học Quốc gia Hà Nội, bài thi 2 trong 1, bài thi VNU Tests, và sự so sánh tương quan giữa hai bài thi VSTEP.3-5 và VNU Tests. Về bài thi VNU Tests, nội dung giới thiệu cụ thể gồm: giới thiệu chung, hệ thống bài thi, đối tượng dự thi, giá trị so với các chứng chỉ ngoại ngữ, quy định thời hạn sử dụng giấy chứng nhận, định dạng, hình thức thi, cách tính điểm bài thi, ưu điểm của bài thi, lệ phí thi, lịch thi, và các đầu mối phụ trách kỳ thi.
Trong phần đầu tiên, sinh viên đã được cung cấp các thông tin về các công văn, thông báo về quy định dạy – học ngoại ngữ trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, với đối tượng sinh viên QH.2021 trở về trước: Ngoại ngữ là học phần điều kiện, không tính vào các đầu điểm trung bình chung, nhưng là điều kiện để xét tốt nghiệp; còn với đối tượng sinh viên QH.2022 trở về sau: Ngoại ngữ là học phần bắt buộc, có được tính điểm vào các loại điểm trung bình chung. Đồng thời, sinh viên QH.2021 trở về trước sẽ được phép dùng bài thi 2 trong 1 để xác định CĐR đối với ngoại ngữ 2. Bài thi này bao gồm 3 kỹ năng – nghe, đọc, viết, có nội dung thi gắn với chương trình học, và kỹ năng nói được đánh giá thông qua quá trình học tập của sinh viên.
Nhận thấy điểm còn tồn tại của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chuẩn hóa như về chi phí, thời gian, địa điểm, nội dung, độ khó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức một bài thi mới là VNU Tests. VNU Tests là bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp, được xây dựng dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (KNLNNVN) và các tiêu chuẩn quốc tế. Bài thi được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ tổng quát và năng lực sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống giao tiếp nghề nghiệp của các đối tượng thí sinh. Bài thi bao gồm 10 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Thái, Lào, Ả Rập; và 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi có 3 bậc: bậc 3, bậc 4, bậc 5, tương ứng với các cấp độ B1, B2 , C1 của KNLNNVN. VNU Tests được Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức thi từ năm 2024.
Các sinh viên cũng được làm rõ về các đối tượng dự thi, bao gồm sinh viên trong ĐHQGHN bao gồm sinh viên ULIS (chuẩn đầu ra ngoại ngữ), sinh viên ULIS (ngoại ngữ chuyên và không chuyên) và thí sinh thi tuyển CTĐT bậc Thạc sĩ trong ĐHQGHN (chuẩn đầu vào ngoại ngữ).
Ngoài ra, sinh viên đã được giải thích về giá trị của bài thi VNU Tests so với các chứng chỉ ngoại ngữ khác, cũng như quy định thời hạn sử dụng giấy chứng nhận của bài thi. Theo đó, trong ĐHQGHN, bài thi VNU Tests có giá trị tương đương với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ VSTEP của ĐHQGHN đối với tiếng Anh, và có giá trị tương đương với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ do trường ĐHNN tổ chức đối với các ngoại ngữ khác. Giấy chứng nhận của bài thi VNU Tests không có thời hạn sử dụng do đơn vị tổ chức thi quy định, mà do đơn vị sử dụng giấy chứng nhận quy định.
Đặc biệt, sinh viên đã được trình bày về định dạng, hình thức thi, cách tính điểm bài thi và ưu điểm của bài thi VNU Tests. Bài thi VNU Tests được xây dựng theo quy tắc: phần nghe và đọc là trắc nghiệm khách quan, phần viết và nói là tự luận; các bài thi nghe, nói, đọc, viết của các thứ tiếng khác nhau sẽ có chung thời gian làm bài; định dạng của các tác vụ sẽ theo đặc thù ngôn ngữ.
Bài thi VNU Tests có hình thức thi trên giấy cho phần đọc, nghe, viết và thi phỏng vấn trực tiếp cho phần nói. Bài thi VNU Tests có cách tính điểm bài thi theo công thức: (nghe + nói + đọc + viết): 4, điểm đạt là 6/10, điểm liệt là <2,0.
Bài thi có nhiều ưu điểm so với các bài thi ngoại ngữ khác, như sau:
- Bài thi cắt ngang, phù hợp với thi sinh ở từng bậc năng lực. Bài thi được xây dựng theo các cấp độ A2, B1, B2 của Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, giúp thí sinh lựa chọn bậc thi phù hợp với trình độ của mình.
- Bài thi theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp mang tính thực tiễn cao, phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các đối tượng thí sinh. Bài thi được thiết kế với các ngữ liệu và tác vụ liên quan đến các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, giúp thí sinh có thể áp dụng ngoại ngữ vào thực tế công việc và học tập.
- Bài thi chuẩn hóa đánh giá đủ 4 kỹ năng (đọc-nghe-nói–viết) có số câu hỏi, dạng tác vụ và thời lượng phù hợp với từng bậc năng lực. Bài thi đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch trong việc đánh giá toàn diện năng lực ngoại ngữ của thi sinh.
- Bài thi đọc và nghe được thiết kế với các ngữ liệu và tác vụ phù hợp với định hướng giao tiếp nghề nghiệp. Bài thi đọc và nghe có dạng trắc nghiệm khách quan, có các tác vụ như tìm thông tin, hiểu ý chính, suy luận, đánh giá, phân tích, tổng hợp, v.v. Bài thi đọc và nghe có các ngữ liệu đa dạng, bám sát thực tế, phản ánh các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, v.v.
- Bài thi viết và nói được thiết kế với phần chung và phần tự chọn. Ở phần chung, thi sinh phải hoàn thành các tác vụ viết và nói theo chủ đề được đưa ra. Ở phần tự chọn, thi sinh có quyền lựa chọn chủ đề phù hợp với thế mạnh hay chuyên môn của mình để hoàn thành bài thi. Bài thi viết và nói có dạng tự luận, có các tiêu chí đánh giá như nội dung, cấu trúc, ngôn ngữ, phát âm, ngữ điệu, v.v.
- Lệ phí thi hợp lý. Theo đó, với sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ thi lần đầu tiên sẽ được miễn phí, thi lần thứ hai lệ phí thi là 400.000đ/lần, thi lần thứ ba trở đi lệ phí thi là 800.000đ/lần. Sinh viên các trường khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội đều nộp lệ phí thi là 800.000đ/lần.
- Bài thi có cổng đăng ký thi trực tuyến, giúp người học thuận tiện trong việc đăng ký thi. Ngoài ra, thông tin về kỳ thi cũng được công khai trên trang web của trường.
Sau khi được nghe giới thiệu về VNU Tests, sinh viên còn được giới thiệu thêm về bài thi VSTEP.3-5, về điểm giống và khác giữa hai bài thi này, và được tư vấn chọn bài thi. Đây là thông tin hữu ích và quan trọng đối với các sinh viên.
Sau khi hoàn thành phần giới thiệu, các sinh viên đã có cơ hội được hỏi đáp về kỳ thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp – VNU Tests. Sinh viên đã thể hiện sự quan tâm, tích cực và năng động trong việc đưa ra những câu hỏi liên quan đến các nội dung như: cấu trúc đề thi, cách đăng ký thi, lịch thi, cách ôn luyện, cách làm bài, cách nhận kết quả, v.v… Ngoài ra, Nhà trường cũng đã cung cấp những tài liệu, tài nguyên và hỗ trợ liên quan đến kỳ thi VNU Tests trong phần hỏi-đáp trực tuyến.
Chương trình giới thiệu bài thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp đã giúp cho các sinh viên tiếp cận thêm với một bài thi mới, phù hợp cho nhiều mục đích, giải đáp những thắc mắc của sinh viên ĐHQGHN về bài thi VNU Tests.